Khía cạnh xã hội của chùa Vạn Hạnh

Quảng Phúc - Ngô Thụy Chương

Một người bạn trẻ Hoà Lan gửi thư đến chùa Vạn Hạnh với nội dung như sau: “...Tôi như con thuyền trôi nổi giữa đại dương đang tìm kiếm một bến bờ an toàn để cập. Quý vị có thể giúp tôi được không?...”

Anh bạn Hòa Lan 24 tuổi này kể rằng khi 12 tuổi, anh bị một căn bệnh đau đớn về tinh thần mà nguyên nhân không có lời giải thích. Anh cảm thấy cuộc sống vô vọng.  Năm 17 tuổi, tình cờ anh đọc được trên YouTube vài bài giảng Phật pháp của vị tăng sĩ nổi tiếng người Anh tên Ajahn Brahmaviso. Những bài giảng này đã khiến tâm hồn anh được ổn định và anh ngày càng quan tâm đến giáo lý Phật. Anh muốn kiềm chế tư tưởng tự tử, anh muốn có một đời sống ổn định và tốt đẹp, một cuộc sống không lãng phí, anh muốn tạo cho mình niềm hạnh phúc để có thể giúp đỡ người khác. Anh nghĩ rằng để làm được điều này, anh cần có một vị thầy để hướng dẫn cũng như truyền cho anh thêm kiến thức về Phật giáo. Do vậy anh đã liên lạc Chùa Vạn Hạnh để hỏi xem có thể giúp anh được điều này không.

Trước lá thư tha thiết này, với ước muốn học hỏi giáo Pháp Như Lai của chàng trai trẻ Hòa Lan, chùa Vạn Hạnh không thể làm ngơ. Sau khi bàn thảo và hội ý, chùa đã giao trách nhiệm cho vị tăng sĩ Phật giáo người Hòa Lan sinh hoạt tại chùa Vạn Hạnh để giúp đỡ và hướng dẫn đạo pháp cho anh.

Ðây không phải là lần duy nhất chùa Vạn Hạnh nhận được thư kêu gọi sự giúp đỡ về mặt tinh thần. Chùa nhiều lần nhận được những lá thư của người bản xứ kêu gọi sự giúp đỡ cho cá nhân họ và đôi khi cho cả đồng hương Việt Nam của chúng ta nữa.

Một lần, chùa Vạn Hạnh nhận được điện thư của một trung tâm chăm sóc người già (woonzorg centre voor ouderen). Trung tâm này kể rằng họ đang chăm sóc một bệnh nhân già Việt Nam tại đây, nhưng họ gặp khó khăn trong việc giao tiếp vì bà này hoàn toàn không nói được tiếng Hòa Lan. Họ kêu gọi sự trợ giúp của chùa Vạn Hạnh trong việc thông dịch và làm trung gian giữa trung tâm và bệnh nhân.

Ðược tin đó, Ban Xã Hội chùa Vạn Hạnh đã nhanh chóng tiếp xúc trực tiếp với đồng hương và người y tá săn sóc bà. Qua câu chuyện, được biết bà trước đây có đi làm và biết nói tiếng Hòa Lan nhưng thời gian vừa qua, bà bị Alzheimer, không còn nhớ tiếng Hòa Lan. Bà sống đơn chiếc trong hoàn cảnh khó khăn.

Với tâm nguyện “Phục vụ chúng sinh là cúng dường chư Phật”, Ban Xã Hội chùa Vạn Hạnh đã tận tình giúp đỡ trung tâm trong việc thông dịch cũng như phụ giúp dọn dẹp nhà cửa, thăm hỏi đồng hương để cuộc sống của họ bớt cô quạnh. Ban Xã Hội có chương trình 2 tuần một lần đến thăm nơi đây.  Người đồng hương của chúng ta cũng như người y tá rất vui mừng với sự giúp đỡ chân tình của thành viên Ban Xã Hội chùa Vạn Hạnh.

Cũng cần nói thêm, bệnh nhân Việt Nam này theo Thiên Chúa giáo, tuy nhiên bà đã có dịp đến thăm chùa Vạn Hạnh, do người bạn có sinh hoạt tại chùa dẫn đi. Trong tình người và nhất là tình đồng hương, Ban Xã Hội chùa Vạn Hạnh vẫn nhiệt tình làm công việc giúp đỡ này. 

Không phải tất cả những yêu cầu giúp đỡ gởi tới chùa, chùa Vạn Hạnh đều có thể giải quyết thoả đáng. Chẳng hạn trường hợp sau đây: một cô người Nhật Bản sinh sống ở Hòa Lan gửi một điện thư đến chùa, kể rằng một năm trước đây ba cô ta qua đời. Năm nay, đúng một năm ngày giỗ, cô muốn được đến chùa để tỏ lòng tưởng nhớ đến người cha quá cố của mình. Cô xin quý Thầy đọc một bộ kinh tiếng Nhật (Okyio doctrine) cho ba cô. Một đề nghị thật khó giải quyết vì quý Thầy đâu biết tiếng Nhật. Nhưng chùa vẫn liên hệ và đề nghị chùa sẽ làm lễ cho ba cô ta, nhưng phần đọc kinh cô tự đọc. Tuy nhiên cô vẫn mong muốn có một vị thầy đọc kinh Okyio. Chùa Vạn Hạnh rất tiếc không giải quyết được yêu cầu trên, do đó cô ta đã không có dịp đến chùa làm lễ.

May mắn thay, không phải lúc nào chùa cũng phải giải quyết những việc khó khăn. Ðôi khi cũng  nhận được sự kêu gọi giúp đỡ khá ngộ. Một cô người Hòa Lan vừa đi du lịch Việt Nam vào mùa hè vừa qua. Cô ta rất thích thú với chuyến du lịch này, thích từ phong tục, đời sống, món ăn và sự thân tình của người Việt Nam. Trở về Hòa Lan, cô quyết định sẽ xâm lên người hai chữ Gevoelig Kracht (nhạy cảm và cứng rắn) là hai chữ nói lên cá tính của cô, bằng chữ Nôm hay chữ Hán. Chùa Vạn Hạnh đã liên hệ để giúp cô hai chữ cô muốn có.

Một lần đến thăm chùa vào một ngày trong tuần, bước vào chánh điện tôi thấy ba cô học sinh người Hòa Lan đang đứng nhìn ba tượng Phật một cách chăm chú. Hỏi thăm, được biết các cô học ở trường trung học gần chùa nên ngày nào cũng đi xe đạp ngang qua đây. Các cô nói đã có dịp cùng cả lớp đến thăm chùa, hôm nay trở lại đây vì thích nhìn các tượng Phật, vì thấy vui và an lạc trong lòng.

Học sinh thăm chùa Vạn Hạnh

 

Từ khi chùa Vạn Hạnh dời về Almere, hàng năm chùa có nhiều dịp tiếp đón học sinh các trường tiểu học và trung học trong vùng đến thăm và tìm hiểu giáo lý Phật. Một số học sinh trung hoc khi làm tiểu luận về Phật giáo cũng đã liên hệ chùa để được giúp đỡ. Các buổi thăm viếng đó đã gây  nhiều cảm tưởng tốt về Ðạo Phật nơi người Hòa Lan, cũng như nói lên sự hiếu khách của ngôi chùa Việt Nam.

Nhiều người nghĩ rằng, chùa chỉ là nơi Phật tử đến lễ bái, tu học. Thật ra ngôi chùa ngoài ý nghĩa tôn giáo còn đóng góp rất nhiều về khía cạnh xã hội với ý hướng giúp đỡ đồng hương hay xoa dịu nỗi đau buồn khi gia đình có thân nhân quá vãng. Ngay với người bản xứ, khi có sự yêu cầu, chùa Vạn Hạnh luôn mở rộng cửa để đón tiếp và giang tay giúp đỡ.

Là một ngôi chùa Việt Nam, chùa Vạn Hạnh luôn gắn bó với quê hương, dân tộc Viêt. Những khi quê nhà gặp cảnh tai ương khốn khổ, chùa Vạn Hạnh luôn hợp cùng Giáo Hội Phật Giáo Âu Châu hay Giáo Hội Phật Giáo Hải Ngoại tổ chức các kế hoạch quyên góp để cứu giúp đồng bào nơi quê nhà. Chùa Vạn Hạnh vẫn kín đáo và cụ thể góp phần để Giáo Hội trong nước, dù bị kềm tỏa, vẫn có phương tiện để thực hiện những công tác xã hội.

Chùa Vạn Hạnh, trung tâm Phật giáo của người Việt tỵ nạn tại Hòa Lan, luôn sẵn sàng tiếp tay cùng Cộng Ðồng Việt Nam Tỵ Nạn Cộng Sản nêu cao chính nghĩa tự do, xây dựng và phát triển s liên hệ tốt đẹp giữa người Việt và người bản xứ trên quê hương thứ hai này.

 trở về trang chính