Cụ Ngô Thế Vinh

 Quê quán: Nam Trực - Nam Định

 Năm sinh: Quý Hợi - 1803

 Năm mất:Bính Thìn - 1856

 Tên khác:Trọng Phụ, Trọng Nhượng, Trọng Dực, Trúc Đường, Dương Đình

 

Tiến sĩ Ngô Thế Vinh đời Minh Mạng có đến ba tên tự: Trọng Phu, Trọng Nhượng, Trọng Dực và ba tên hiệu: Trúc Đường, Khúc Giang, Dương Đình. Ông sinh vào năm Quý Hợi (1803), tại làng Bái Dương, huyện Nam Trực, tỉnh Nam Định. Em ruột Ngô Đình Thái.

Năm Kỷ Sửu (1829) ông đỗ tiến sĩ, làm quan đến Lang trung bộ Lễ, bị cách chức, về nhà dạy học, đào tạo được rất nhiều nhân tài cho đất nước lúc đương thời.

Năm Bính Thìn (1856) ông mất, hưởng dương 53 tuổi.

Tác phẩm 

Tác phẩm của Ngô Thế Vinh là một phần quan trọng của di sản văn hóa dân tộc. Ông có đề tựa và phê bình sách Ức Trai di tập do Dương Bá Cung biên soạn. Ngoài ra, ông còn mấy tác phẩm xuất sắc:

·          Trúc Đường Chu Dịch tùy bút,

·          Dương Đình thi phú văn tập.

·          Nữ huấn tân thư.

·          Trúc Đường phú tập.

·          Dương Đình phú tuyển.

·          Trúc Đường thi văn tùy bút.

·          Bái Dương thi tập.

·          Trúc Đường khóa sách.

·          Khúc Giang Ngô Đình Dương tam tập.

·          Trúc Đường trường văn sách.

·          Khải Đồng thuyết ước (2 quyển, hợp soạn cùng Phan Vọng)

 

Khải Đồng thuyết ước

Đây là một quyển sách dạy trẻ em bắt đầu học vỡ lòng, bằng chữ Hán. Sách dạy về nhiều môn, dựa trên quan điểm tam tài (thiên, địa, nhân), dạy đại khái từ thiên văn, địa lí, rồi đến nhân sự. Nghĩa là gồm các môn loại tri thức trong vũ trụ. Sách viết lối văn tứ tự có vần, mỗi câu bốn chữ, bốn câu hai vần thanh bằng, thanh trắc thay đổi nhịp nhàng, cốt để thuận miệng dễ thuộc lòng. Cố nhiên sách viết không hợp lối giáo khoa, trọng về tri thức, nhiều chữ nhiều nghĩa khó quá, không thích hợp cho trẻ em mới học, nhưng nó có nhiều ưu điểm: dạy nhiều về các sự việc lịch sử Việt Nam, thiết thực cho trẻ em Việt Nam.

Đọc bài tựa của tác giả, ta thấy từ sau khi sách Khải đồng thuyết ước ra đời năm 1853, có một sự chuyển biến lớn về phương pháp sư phạm ở Việt Nam, chuyển biến về giáo dục tư tưởng, về tri thức khoa học nhiều hơn văn chương cử nghiệp.

Bài tự tự sách Khải đồng thuyết ước Bản dịch của Trần Văn Giáp:

Tôi lúc còn bé, được cha tôi theo thói thường: trước hết cho đọc sách Tam tự kinh, cùng các sử đời Tam hoàng, rồi học các sáchKinh truyện (Kinh: Thi, Thư, Dịch, Lễ, Xuân thu; Truyện: Luận ngữ, Mạnh Tử, Đại học,Trung dung). Tập làm lối văn thi cử thời đó, mong sao cho đúng với cách thức đi thi, chiếm được áo xanh, mũ đẹp thì thôi. Còn đến như, trên thì thiên văn, dưới thì địa lí, giữa thì nhân sự, cùng là các đời trước sau [trong sử] nước ta, chưa hề có giảng đến bao giờ cả. May nhờ cha tôi dạy bảo, nhờ phúc đức tổ tiên, năm Thiệu Trị thứ nhất, khoa Tân Sửu ân khoa tôi được dự trúng thi hương; nói về tam tài thì giống còn con nít, tôi rất tự hổ thẹn. Sau được làm tri huyện Nam Chân (sau là Nam Trực), may được chuyển huyện nhỏ dân thưa, công đường ít việc, (tôi) sưu tập nhiều sách, xem được ít nhiều, bèn trích lấy những điều đại lược về thiên văn, địa lí, thế thứ các đời, biên thành một tập, chia làm ba phần, mỗi câu bốn chữ, bốn câu có hai vần, thanh bằng thanh trắc thay đổi, để tiện cho trẻ em dễ học thuộc lòng; đặt tên gọi làKhải đồng thuyết ước, khiến cho các con cháu trong nhà học tập may ra biết được qua loa về tam tài; điều cốt yếu là muốn nói về nước nhà, điều ấy cũng còn tự mở rộng thêm kiến văn cho tôi học được từ xưa. Còn đến như bảo rằng thông suốt tam tài mới gọi nhà nho, thì tôi thật sao dám!

***********

Hai bài thơ của cụ Ngô Thế Vinh 

 

Bến Tầm Dương

Tầm Dương giang đầu dạ tống khách

Duyên nước bèo gặp gỡ những chơi vơi

Giữa dòng sông nước chảy trăng soi

Dắt díu cả sắc tài vào một cuộc

Giai nhân tâm sự quy cầm trục

Tài tử phong lưu nhập tửu bôi

Nghe tiếng đàn bà rát ruột đòi thôi

Nghĩ mình luống thương vay cho kẻ khác

Hồng nhan tự cổ đa luân lạc

Thái bút như kim bán lục trầm

Người trăm năm ngoảnh lại cơi trăm năm

Tài với sắc, tính ra là ngộ cả

Quá ngán nhẽ người nằm thiên tải hạ

Cùng với lên chung một gánh sầu

Lệ tình há một giang châu.

 

Gió mát trăng thanh 

Giang tâm thu nguyệt

Năo nùng thay khi gió mát, lúc trăng thanh

Bóng thiềm soi đáy nước long lanh

Quang cảnh ấy cũng thanh mà cũng lịch

Vạn lại tịch nhiên thu dạ vĩnh

Nhất hồn oánh nhĩ, nguyệt minh cô

Đàn năm cung, thơ một túi, cờ một cuộc rượu một bầu

Tiếng ca quản một vài câu khiển hứng

Chào mấy mái thuyền lan lững thững

Bạn mấy người tài tử ngao du

Non mấy tầng đá mọc lô nhô

Cầu mấy nhịp bắc ngang sông Vị Thuỷ

Hội Xích Bích nọ năm Tuất nhỉ

Thú phong lưu há để một Tô Công?

Trăng trong gió mát kho chung

Trích từ : http://www.vietgle.com.vn/

Bia đá đề tên

Trong dịp đến Huế mùa hè 2007 gia đình Chương Trúc được may mắn tìm được bia đá ghi tên cụ Ngô Thế Vinh đậu tiến sĩ tại Quốc Tử Giám Huế.

Quốc Tử Giám Huế là nơi khắc tên các vị tiến sĩ đời Nguyễn lên bia đá. Các bia đá ấy được dựng trên lưng con rùa lớn , bia đá ghi tên các tiến sĩ bằng chữ Hán . May mắn cho gia đìinh Chương là anh hướng dẫn viên tại Huế lại thông thạo chữ Hán. Anh ta đã tìm đọc các bia đá để tìm tên cụ Ngô Thế Vinh, các bia đá này lâu đời chữ khắc đã  mờ nên khó đọc, nhưng anh hướng dẫn viên đã tìm ra bia đá ghi tên cụ Ngô Thế Vinh đậu tiến sĩ đời Minh Mạng năm thứ mười.
Để xác nhận có phải bia đá đúng tên cụ Ngô Thế Vinh hay không, ngày hôm sau gia đình Chương đã cùng anh hướng dẫn viên đến hoàng cung vì nơi ấy có bảng vàng ghi tên bằng tiếng Việt những tiến sĩ đỗ triều Nguyễn. Tại nơi đây quả nhiên gia đình Chương Trúc đã thấy ghi kỳ thi Khoa Kỳ Sửu Minh Mạng năm thứ 10 có tên cụ Ngô Thế Vinh đậu tiế sĩ.

Chương gủi đến mọi gia đình những tấm hình quý giá trên để mọi người chiêm ngưỡng.
 

Cổng Tam Quan Quốc Tử Giám Huế

Bia đá khắc tên cụ Ngô Thế Vinh

Bia đá cụ Ngô Thế Vinh

Bảng vàng khắc tên cụ Ngô Thế Vinh

Quế Phương & Thiên Ân tại Quốc Từ Giám Huế