Tứ nhiếp pháp

Tứ nhiếp pháp là: bố thí nhiếp, ái ngữ nhiếp, lợi hành nhiếp và đồng sự nhiếp.

1. Bố thí nhiếp : Có ba cách bố thí : tài thí, pháp thí, vô úy thí.

a. Tài thí :có nội tài (bố thí chính ngay thân mạng mình- cho máu để tiếp người bệnh nhân) và ngoại tài (cho tiền bạc của cải). Tài thí có nhiều cách : định kỳ thí, cấp thời bố thí (một miếng khi đói bằng một gói khi no), hợp lực bố thí (kêu gọi hợp lực cùng nhau làm, vì một mình không đủ phương tiện), kính cẩn bố thí (kính cẩn đối với người mình bố thí).

Bố thí thì cần xét đến : tâm bố thí, của đem bố thí và người mình bố thí. Tâm phải là tâm thanh tịnh nghĩa là trong sạch, không phải cầu danh, hoan hỉ khi đang bố thí và mừng rỡ sau khi bố thí. Của bố thí phải là của thanh tịnh, nếu là của không trong sạch (ví dụ của ăn cướp) thì không phước đức. Xứng cảnh trí tức là người mình nên bố thí, cúng dường giống như ba thứ ruộng phước : kinh điền (người đáng tôn trọng), ân điền (người có ân với mình như cha mẹ, sư trưởng) và bi điền (người đáng thương xót).

Khó có người giàu có như ông Cấp cô độc đem vàng trải ở Kỳ viên, nhưng người nghèo cũng có thể bố thí được. Như anh kia thấy người ta cúng dường trai tăng, anh chỉ kiếm ra được một ít đậu, bèn đứng vào một xó. Lúc người ta đang tác bạch, thì thấy đậu trãi đầy bàn ăn, mọi người đang tìm hiểu, thì đức Phật trông thấy y đang đứng trong góc phòng, đức Phật gọi anh ta là ‘đại thí chủ’. Mọi người liền mời y ra cùng dự chung. Anh ta chỉ bố thí với tâm thành khẩn, không kể mình thấp kém.

Có chị ở giúp việc cho người ta, rất muốn cúng dường đức Phật. Chị nghèo quá, chỉ kiếm được một miếng bột, bèn gói trong lá, đem nướng đi, và ước ao cúng dường đức Phật, chỉ sợ đức Phật không nhận. Không ngờ đức Phật nhận và bóc bánh ra, ăn liền trước mặt chị. Chị ta sung sướng hết sức.

b. Pháp thí : Trong khi tài thí giúp đỡ sắc thân thì pháp thí có công năng giúp đỡ cho pháp thân, huệ mạng. Nếu không có pháp nuôi dưỡng thì pháp thân heo mòn, trái lại thì pháp thân tăng trưởng. Việc pháp thí rất khó vì nếu ta không biết pháp, không học pháp thì lấy đâu để pháp thí ? Cho nên đức Phật thường bảo đệ tử đem giáo lý của đức Phật phổ biến cùng khắp.

đối với người đau khổ về tinh thần thì cần pháp thí. Có một chị đi lấy chồng, lâu lắm mới có một đứa con. Khi con mới lên ba thì chồng qua đời, và sau đó ít lâu, đứa con bỗng chốc bị trúng gió, chết mất. Chị ta đau đớn vô cùng và không tin là con mình đã chết. Chị bồng con đi xin thuốc chữa. Với tâm sầu khổ, chị đến gặp đức Phật và xin đức Phật cứu sống con chị. đức Phật bảo chị đi xin hột cải tại nhà nào chưa có người thân chết đem về để đức Phật cứu cho. Chị đến từng nhà xin hột cải, nhưng khi chị hỏi trong nhà đã có ai chết chưa, thì người nào cũng đáp là nhà đã có người chết. Và cuối cùng chị đến một nhà vừa có con nhỏ chết. Chị ta liền giác ngộ, bèn đem con về chôn cất. Hôm sau chị đến bạch Phật rằng việc Ngài dạy con đã làm xong, và xin đức Phật chứng minh cho.

Như vậy Ngài đã dạy pháp để chị ta tự tu, tự chứng ; nếu lúc bấy giờ giảng lý thì không hợp, trong lúc chị ta đang đau khổ. Trong khi đi xin hột cải thì chị ta đã trực tiếp chứng được lý vô thường của vạn vật. Chúng ta học đạo là để chất chứa Phật pháp ngõ hầu khi gặp lại tai biến mà tiêu dùng, như chất chứa tiền của vậy.

c.Vô úy thí : Là đem cái không sợ ra thí cho chúng sanh. Ta không giết hại vật thì vật gần mình không sợ hãi, ta không trộm cắp thì người khác không sợ mình lấy cắp của người. Vả lại còn biết hy sinh giúp người cứu vật trong lúc hoạn nạn tai biến.

2. Ái ngữ nhiếp : Tùy theo căn tánh chúng sanh mà khôn khéo nói năng, an ủi khuyên lơn nhân thế khiến cho họ sanh lòng thân mến, rồi từ đó họ mới theo ta mà học đạo ; lời nói khéo léo, ôn tồn, nhẹ nhàng đem lại an lạc cho tâm ta và mọi người.

Có anh kia đi cày, ngủ trưa, quên cột trâu. Một con hổ từ trên xuống núi đi xuống. Trâu đến đánh thức chủ dậy để báo động. Mất ngủ, anh kia bèn đánh đuổi trâu. Trâu kia sợ hổ ăn thịt chủ, bèn chồm lên mình chủ để đỡ cho chủ. Anh đi cày giận quá, cho là trâu trở chứng, liền bỏ buổi cày, dẫn trâu về. Dọc đường gặp đức Phật, trâu khóc. đức Phật vỗ về trâu, lấy lời dịu ngọt dỗ dành khiến trâu hết đau khổ và làm cho anh cày giác ngộ. ái ngữ, trong ái ngữ nhiếp không phải là lấy lời dịu ngọt để nịnh hót cốt làm lợi cho mình. ái ngữ ở đây cốt lợi cho người khác.

3. Lợi hành nhiếp: Làm những việc có lợi cho người khác. Bất cứ việc nhỏ hay lớn, nếu biết làm thì mới có giá trị lớn. Kinh Lăng nghiêm có đoạn kể Ngài Trì địa Bồ tát chuyên đi sửa đường, sửa cầu, gánh đồ giùm cho mọi người. Có một vị hòa thượng kể câu chuyện đã có lần cùng với quý thầy đi ngang qua một cánh đồng. Nắng gắt và khác nước, mọi người dừng lại nghỉ chân ăn uống. Nhân ăn xoài, quý thầy ương những hột xoài tại chỗ. Mấy năm sau có việc, hòa thượng cùng quý thầy lại đi qua chỗ cũ, thấy mấy cây xoài đã bắt đầu có quả ăn. đó cũng là một việc lợi hành mà ít ai để ý làm.

4. Đồng sự nhiếp: Cùng làm một việc với người khác. Tùy theo mỗi người làm một việc nhưng cùng nhắm một mục đích (ví dụ: xây dựng gia đình, cùng nhau đẩy một chiếc xe lên dốc, nếu không cùng đẩy là không cùng sự). Có đồng sự thì nói gì người ta cũng nghe mình.

Có bốn sự nhiếp này thì thế giới hòa bình, gia đình an lạc. Bốn sự nhiếp này vắng mặt thì con cái không hiếu kính cha mẹ, anh em không sống hòa hiệp với nhau. Làm được bốn nhiếp sự này thì được danh xưng, mọi người tán thán